Học chơi golf là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai đang tìm kiếm một hoạt động giúp thư giãn, rèn luyện sức khỏe và kết nối xã hội. Trong bài viết này, hãy cùng Decathlon tìm hiểu cụ thể về golf cũng như những địa chỉ học chơi golf uy tín, giúp bạn dễ dàng chinh phục bộ môn đầy thử thách này.
Mục lục bài viết
1. Tổng quan về bộ môn golf
Golf là môn thể thao sử dụng gậy để đưa bóng vào lỗ trên sân, với mục tiêu hoàn thành vòng chơi bằng số lần đánh ít nhất có thể. Đây không chỉ là cuộc chơi của kỹ thuật chính xác mà còn là sự kết hợp của tư duy chiến thuật và khả năng tập trung cao độ.
Golf mang đến nhiều lợi ích thiết thực – từ việc rèn luyện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng đến cơ hội giao lưu, kết nối. Đặc biệt, đây còn là môn thể thao được giới doanh nhân ưa chuộng, bởi tính chất vừa thư giãn vừa thuận tiện cho việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác.
Bộ môn này phù hợp với nhiều lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành – nhất là những ai thường xuyên chịu áp lực công việc và mong muốn tìm một hình thức vận động nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, golf không hề dễ chơi; nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận cơ thể, kỹ năng vận động tinh tế cùng tư duy chiến thuật sắc bén.
Golf mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần (Nguồn: Internet)
2. Cần chuẩn bị gì khi học golf
Khi bắt đầu học golf, việc chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ rất quan trọng để bạn có thể luyện tập và chơi hiệu quả:
- Gậy golf: Một bộ cơ bản thường có 14 cây, bao gồm gậy driver (gậy dài), gậy sắt (gậy trung bình), gậy wedge (gậy ngắn) và gậy putter (gậy đánh bóng vào lỗ). Mỗi loại gậy có một chức năng riêng biệt và được sử dụng trong các tình huống khác nhau trên sân.
- Bao đựng gậy: Bao đựng gậy giúp bạn bảo quản gậy một cách an toàn, tránh bị biến dạng hoặc hư hỏng khi di chuyển.
- Bóng golf: Bạn sẽ cần mang theo nhiều bóng golf trong một buổi tập nhằm dự phòng cho tình huống mất bóng.
- Giày golf: Giày golf có đế đặc biệt giúp giữ thăng bằng khi đánh và di chuyển trên sân.
- Găng tay golf: Giúp bảo vệ tay khỏi trầy xước và giảm độ trơn trượt khi cầm gậy.
Các dụng cụ cần trang bị khi học golf (Nguồn: Internet)
3. Chi phí học golf
Golf là môn thể thao đòi hỏi nhiều dụng cụ và các khoản phí phụ trợ khác nên có sự đầu tư ban đầu khá lớn. Tổng chi phí cho một khóa học golf có thể dao động từ 50 – 60 triệu đồng, cụ thể
- Học phí: Chi phí cho một khóa học golf cơ bản trong vài tuần đến vài tháng có thể dao động từ 10 – 20 triệu đồng.
- Chuẩn bị dụng cụ: Chi phí mua gậy, bóng, giày và các trang phục chuyên dụng rơi vào khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy theo chất liệu và thương hiệu.
- Thuê huấn luyện viên dạy chơi golf: Bên cạnh việc học chính khóa, bạn có thể thuê huấn luyện viên luyện tập riêng với chi phí sẽ dao động từ 1 – 2 triệu đồng/giờ
- Thuê sân tập đánh golf: Chi phí thuê sân golf rơi vào khoảng 500.000 – 1 triệu đồng mỗi giờ đối với những sân lớn ở trong khu khách sạn, resort cao cấp. Đối với các sân nhỏ sẽ có mức giá dễ chịu hơn khoảng 100.000 đồng/100 bóng.
Golf được mệnh danh là “môn thể thao của giới thượng lưu” (Nguồn: Internet)
4. Lộ trình học golf
Dưới đây là lộ trình học golf chi tiết từ giai đoạn làm quen với các kỹ năng cơ bản đến khi bạn đã có thể tự tin trên sân golf:
Tuần 1-2: Tìm hiểu luật golf, cách cầm gậy, tạo tư thế đúng
Trong giai đoạn này, bạn sẽ học về các quy tắc cơ bản của golf, bao gồm luật chơi, cách xác định các khu vực trên sân và các điều lệ cần tuân thủ. Đồng thời, bạn sẽ được hướng dẫn cách cầm gậy đúng cách, tư thế chuẩn khi đứng đánh bóng. Đây là bước quan trọng để đảm bảo bạn có nền tảng vững chắc cho các kỹ thuật sau này.
Tuần 3-4: Luyện swing cơ bản với gậy sắt (iron), tập đánh trên sàn
Giai đoạn luyện tập swing cơ bản với gậy sắt nhằm giúp cơ thể làm quen với chuyển động của cú đánh. Sau khi học lý thuyết cơ bản, bạn sẽ được thực hành trên sàn golf để cải thiện sự ổn định và độ chính xác của từng cú đánh.
Tuần 5-6: Tập putt bóng, tổng hợp các kỹ thuật và bài tập vào lỗ
Khi đã nắm vững những kỹ thuật cơ bản, bạn sẽ chuyển sang tập trung vào việc luyện tập putt – cú đánh đưa bóng vào lỗ khi bóng đã gần mục tiêu. Giai đoạn này tập trung vào việc luyện tập cách kiểm soát khoảng cách và lực đánh bóng đồng thời vận dụng tổng hợp các kỹ thuật đã học ở các tuần trước để đưa bóng vào lỗ chính xác.
Tuần 7 trở đi: Tập luyện và chơi thử trên sân
Sau 6 tuần tập luyện trên sàn golf, bạn sẽ bắt đầu chơi thực tế với những vòng golf ngắn trên sân ngoài trời để làm quen với các yếu tố như độ dốc của sân, gió, và các điều kiện tự nhiên khác.
Một số nơi đào tạo cho phép học viên sử dụng phòng golf 3D để luyện tập, đặc biệt trong giai đoạn đầu (Nguồn: Internet)
5. Hướng dẫn kỹ thuật đánh golf cơ bản cho người mới
5.1. Kỹ thuật cầm gậy golf chuẩn
Cầm gậy golf chuẩn là yếu tố quan trọng giúp bạn kiểm soát cú đánh và thực hiện các kỹ thuật một cách chính xác. Bạn cần đặt tay trái lên thân gậy sao cho ngón tay cái và các ngón tay ôm nhẹ quanh cán gậy, với ngón cái dọc theo thân gậy. Tay phải đặt lên tay trái, cũng để ngón cái dọc theo thân gậy, các ngón tay ôm lấy phần còn lại của gậy để gậy di chuyển linh hoạt nhưng vẫn chắc chắn.
Lưu ý: Cầm gậy với lực vừa đủ, không quá chặt hay quá lỏng để tránh căng thẳng hay mất kiểm soát. Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo cán gậy nằm giữa các ngón tay, không cầm bằng lòng bàn tay, giúp việc điều khiển gậy dễ dàng hơn.
Các bước cầm gậy chuẩn (Nguồn: Internet)
5.2. Kỹ thuật đánh swing golf
Kỹ thuật đánh swing golf bao gồm ba bước chính:
- Đưa gậy ra sau (backswing)
- Đưa gậy xuống để tiếp xúc với bóng (downswing)
- Kết thúc cú đánh (follow-through).
Một cú swing kiểm soát lực và góc đánh tốt sẽ giúp bóng bay theo quỹ đạo chính xác.
Tư thế đứng
Tư thế chuẩn khi đánh golf yêu cầu bạn đứng chân rộng bằng vai, đầu gối hơi khuỵu để tạo sự thoải mái và cân bằng đồng thời giữ hông và toàn bộ cơ thể thẳng, không dồn về trước hay đổ ra sau. Bên cạnh đó, cần nghiêng nhẹ cơ thể về phía trước, trọng tâm dồn vào chân, giữ lưng thẳng đồng thời đưa tay ra trước, cầm gậy một cách tự nhiên sao cho gậy hơi nghiêng về phía bóng.
Cách dùng gậy
Khi bắt đầu swing, bạn cần giữ gậy gần cơ thể và dùng lực từ chân để tạo chuyển động sao cho gậy di chuyển theo đường tròn, tay uốn cong trong lúc thực hiện động tác.
Trong quá trình backswing (chuyển động ngược), bạn hãy đưa gậy ra phía sau một cách nhẹ nhàng và đều đặn, kéo gậy lên ngang vai, không quá cao hay thấp. Từ vị trí cao nhất của backswing, bạn sẽ chuyển sang downswing (chuyển động trước) bằng cách dùng hông, chân và tay để tạo lực cho gậy.
Cách hạ gậy
Khi gậy tiếp cận bóng, hãy hạ gậy một cách mượt mà và từ tốn nhằm kiểm soát tốc độ cú đánh tốt nhất. Bạn cần duy trì sự ổn định cơ thể, sử dụng hông và vai để tạo lực chính thay vì tạo áp lực lớn lên tay.
Đánh bóng
Ngay thời điểm đầu gậy tiếp xúc chính xác với phần giữa của bóng, bạn sẽ thực hiện cú đánh bóng bằng phần đầu gậy với góc đánh phù hợp. Sau khi tiếp xúc, bóng sẽ bay thẳng và chính xác theo hướng đã định hình trước đó nếu thực hiện đúng kỹ thuật. Sau cú đánh, bạn hãy tiếp tục theo dõi bóng và duy trì tư thế cho đến khi bóng bay ra khỏi tầm nhìn. Điều này nhằm giúp bạn cảm nhận toàn bộ quá trình và chuẩn bị cho cú đánh tiếp theo.
Mô tả động tác swing golf (Nguồn: Internet)
5.3. Kỹ thuật putting (gạt bóng)
Putting là kỹ thuật đánh bóng vào lỗ khi bóng đã gần mục tiêu, thường được thực hiện trên vùng green (phần mặt sân cuối cùng của mỗi hố golf).
Tư thế đứng khi gạt bóng
Bạn sẽ đứng ở tư thế chân rộng bằng vai để đảm bảo sự ổn định và cân bằng, đầu gối hơi khuỵu xuống đồng thời người hơi nghiêng về phía trước, trọng tâm dồn vào đầu gối và giữ lưng thẳng.
Cách cầm gậy putter
Giữ gậy nhẹ nhàng, thoải mái bằng cả hai tay sao cho gậy nằm trong lòng bàn tay. Tay trái đặt ở phần trên của gậy, sao cho ngón tay cái chỉ vào mặt gậy, cầm chắc nhưng không quá chặt. Tay phải đặt dưới tay trái và điều chỉnh sao cho tay phải điều khiển gậy mà không tạo cảm giác căng thẳng.
Động tác thực hiện putting
Khi bắt đầu thực hiện cú putting, bạn cần hướng mắt nhìn thẳng về phía bóng, giữ đầu và cơ thể ổn định. Bạn sẽ bắt đầu bằng backswing, đưa gậy về phía sau cơ thể một cách nhẹ nhàng và từ từ, tránh đưa gậy quá xa hoặc quá nhanh để duy trì kiểm soát.
Khi vào tư thế downswing, sử dụng lực từ hông, chân, vai và cánh tay để đưa gậy từ vị trí ngược về phía bóng, đảm bảo mặt gậy tiếp xúc chính xác với bóng ở giữa để bóng đi đúng hướng và quỹ đạo. Cuối cùng, bạn cần duy trì thăng bằng và kiểm soát tốc độ nhằm đảm bảo cú gạt đủ lực để đưa bóng vào lỗ hiệu quả
Lưu ý:
- Khi gạt bóng ngắn, cần thực hiện động tác ngắn gọn, kiểm soát lực nhẹ và chính xác, tập trung vào việc đưa gậy trở lại ngay sau khi tiếp xúc với bóng mà không có quá nhiều chuyển động.
- Đối với gạt bóng dài, bạn cần tăng thêm lực để bóng lăn xa hơn, yêu cầu sự kiểm soát tốt hơn về tốc độ và quỹ đạo của bóng.
Putting yêu cầu bạn phải có sự kiên nhẫn và luyện tập thường xuyên các yếu tố như tốc độ, độ nghiêng của mặt gậy, và vị trí của tay khi gạt bóng (Nguồn: Internet)
6. Mẹo học golf nhanh tiến bộ cho người mới
Sau đây là những mẹo giúp bạn tiến bộ nhanh chóng và tự tin hơn trong mỗi cú đánh:
- Đăng ký khóa học với huấn luyện viên chuyên nghiệp: Huấn luyện viên giỏi là người sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc về kỹ thuật và chiến lược chơi. Họ sẽ chỉ dẫn bạn từng bước, từ cách cầm gậy, tư thế đứng, đến việc thực hiện cú đánh chuẩn xác đồng thời đưa ra những lời khuyên cụ thể để cải thiện từng yếu tố trong quá trình chơi.
- Tập trung vào độ chính xác thay vì sức mạnh: Khi mới học golf, bạn rất dễ bị cuốn vào việc cố gắng đánh mạnh để bóng bay xa dẫn đến sai kỹ thuật và mất kiểm soát. Thay vào đó, hãy tập trung vào độ chính xác và kiểm soát cú đánh bởi đây môn thể thao yêu cầu sự tinh tế và kỹ thuật chứ không chỉ sức mạnh.
- Duy trì luyện tập đều đặn ít nhất 2 buổi/tuần: Hãy cố gắng luyện tập thường xuyên để duy trì thói quen và phát triển các kỹ năng cơ bản. Nếu có thể, hãy tham gia các buổi luyện tập nhóm để học hỏi từ những người chơi khác và huấn luyện viên
- Ghi nhật ký luyện tập để theo dõi tiến bộ: Việc ghi chú lại những kỹ thuật đã học và cảm nhận sau mỗi buổi luyện tập giúp bạn nhận ra sự tiến bộ theo thời gian cũng như những điểm cần cải thiện.
Kiên trì luyện tập thường xuyên dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên sẽ giúp bạn nhanh tiến bộ (Nguồn: Internet)
7. Gợi ý các địa chỉ học golf tại Hà Nội và TP.HCM
Nếu bạn đang tìm kiếm những địa chỉ uy tín để học golf, dưới đây là một số địa điểm chất lượng có cơ sở tại cả Hà Nội và TP.HCM:
- GolfGroup Academy (GGA): Một trong những học viện golf hàng đầu, nổi bật với đội ngũ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện đại. Học viên sẽ được học các kỹ thuật cơ bản đến nâng cao với mức học phí dao động trong khoảng 15 – 50 triệu/khóa 12 – 15 buổi tùy trình độ.
- International Golf Academy: Cung cấp các khóa học golf chuyên nghiệp với giáo trình quốc tế, phù hợp với mọi đối tượng kể cả người mới bắt đầu. Đội ngũ huấn luyện viên tại đây đều được chứng nhận quốc tế, đảm bảo chất lượng giảng dạy tối ưu. Mức học phí của trung tâm ở mức 10 – 25 triệu/khóa 10 buổi.
- Vina Golf Center: Một địa chỉ uy tín chuyên đào tạo golf cho người mới và những người muốn cải thiện kỹ năng với chi phí 15 – 17 triệu/khóa 10 – 12 buổi. Với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ huấn luyện viên tận tâm, bạn sẽ được luyện tập trong môi trường chuyên nghiệp để cải thiện kỹ năng của mình nhanh chóng.
- Học viện Golf Queen: Đây là nơi đào tạo golf chuyên nghiệp dành riêng cho nữ có mức học phí khoảng 20 – 35 triệu đồng/khóa 10 – 12 buổi. Học viện không chỉ tập trung vào kỹ thuật mà còn chú trọng vào chiến lược và phong thái chơi golf, giúp học viên tự tin hơn khi ra sân.
Hy vọng với những thông tin tổng quan và hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về cách học chơi golf ở trên, bạn hoàn toàn có thể tự tin cải thiện kỹ năng và tận hưởng những phút giây thư giãn trên sân. Đừng quên đăng ký một khóa học golf chuyên nghiệp để nhanh chóng chinh phục từng cú đánh!