Bắn cung không chỉ là một môn thể thao giúp rèn luyện thể chất, cải thiện sự tập trung và tính kiên nhẫn, mà còn giúp bạn khám phá giới hạn của bản thân. Để học cách bắn cung điêu luyện, bạn cần biết cách kết hợp giữa sức mạnh, sự tập trung, khả năng kiểm soát cơ thể và độ chính xác. Bài viết này của Decathlon sẽ hướng dẫn bạn chi tiết từ khâu trang bị cho đến các bước kỹ thuật cơ bản nhất.
Mục lục bài viết
1. Chuẩn bị và trang bị
Một bộ dụng cụ phù hợp không chỉ giúp bạn tập luyện dễ dàng hơn mà còn đảm bảo an toàn tối đa.
1.1. Cung tên (Bow)
Các loại cung phổ biến bao gồm cung một dây, cung trợ lực, cung truyền thống,… mỗi loại phục vụ một mục đích và trình độ kỹ năng riêng biệt.
Loại cung |
Đặc điểm chính |
Đối tượng phù hợp |
Cung một dây (Recurve bow) |
Thiết kế đơn giản, hai đầu uốn cong ngược ra ngoài, dễ tháo lắp và sử dụng. |
Người mới làm quen với bắn cung; thi đấu Olympic |
Cung trợ lực (Compound bow) |
Cấu tạo hiện đại, sử dụng hệ thống ròng rọc giúp giảm đáng kể lực kéo dây. |
Người đã có kinh nghiệm hoặc tham gia thi đấu chuyên nghiệp |
Cung trần (Barebow) |
Giống cung một dây nhưng không gắn thêm bất kỳ phụ kiện hỗ trợ nào (ống ngắm, bộ cân bằng…) |
Người chơi ở mức trung hoặc cao, muốn nâng độ khó |
Cung truyền thống (Traditional bow) |
Mô phỏng lại kiểu dáng cung cổ xưa, không sử dụng thiết bị hỗ trợ hiện đại. |
Người yêu thích phong cách cổ điển, mộc mạc |
Cung dài (Primitive/ Longbow) |
Có chiều dài lớn, thiết kế đơn giản, thường được làm từ một khối gỗ nguyên vẹn. |
Người đam mê lịch sử và nghệ thuật bắn cung truyền thống |
Cung recurve châu Á (Asiatic recurve bow) |
Kích thước nhỏ gọn, độ chính xác cao, được dùng phổ biến khi bắn cung cưỡi ngựa. |
Người chơi nâng cao hoặc tham gia thi đấu đặc thù. |
Lời khuyên cho người mới tập:
- Loại cung: Nên bắt đầu với cung recurve, là loại cung phổ thông dễ làm quen và ít yêu cầu kỹ thuật cao. Chọn cung có lực kéo nhẹ từ 14lb – 20lb (tương đương 6.4kg – 9kg) để đảm bảo an toàn cho cơ vai, tránh mệt mỏi và duy trì được tư thế chính xác trong thời gian dài.
- Thước ngắm: Người mới tập nên bắt đầu với cung có thước ngắm, sau khi quen dần thì có thể thử cung trần (barebow) để nâng cao kỹ năng. Thước ngắm sẽ giúp bạn nhanh chóng học cách canh mục tiêu chính xác và có cảm giác ổn định khi bắn.

1.2. Mũi tên
Về cơ bản, mũi tên có dạng hình trụ dài, một đầu là mũi nhọn (hoặc có ngạnh) để găm vào bia, đầu còn lại là phần đuôi tên dùng để gắn vào dây cung trước khi bắn. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, mũi tên cần phù hợp với nhiều yếu tố:
Chiều dài phù hợp với sải tay:
- Nên chọn mũi tên dài hơn độ kéo tối đa của bạn khoảng 1 – 2 inch (tức 2,5 – 5cm) để đảm bảo an toàn khi kéo cung.
Mũi tên phù hợp với loại cung sử dụng:
- Mỗi loại cung yêu cầu loại mũi tên có độ cứng (spine) phù hợp để tránh mũi tên bị lệch hướng. Spine càng thấp, mũi tên càng cứng
Ví dụ: Spine 600 = mềm; spine 400 = cứng hơn; spine 300 = rất cứng.
- Người mới nên chọn mũi tên có spine từ khoảng 700 – 1000, phù hợp với lực kéo từ 14 – 25lb
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn sử dụng mũi tên dài hơn tiêu chuẩn hoặc gắn đầu tên nặng, thì nên chọn mũi tên cứng hơn một cấp để đảm bảo tên bay ổn định và chính xác.
Chọn chất liệu cho mũi tên:
- Carbon: Nhẹ, bền, bay thẳng, rất phù hợp với cả người mới tập và vận động viên thi đấu. Đây là loại tên phổ biến nhất hiện nay.
- Gỗ: Thường dùng với cung truyền thống.
- Nhôm: Chi phí thấp, dễ uốn cong nên thường dùng trong luyện tập cơ bản. Tuy nhiên, nếu cong vênh sẽ ảnh hưởng đến đường bay.
- Carbon-aluminium hybrid: Đảm bảo cả độ bền, tốc độ và độ cân bằng. Lựa chọn lý tưởng cho thi đấu chuyên nghiệp với yêu cầu cao về độ chính xác.
Lưu ý: Luôn chọn mũi tên đi kèm hoặc do nhà sản xuất khuyến nghị cho loại cung bạn đang sử dụng. Việc dùng sai loại có thể làm hỏng cung hoặc gây thiếu an toàn.

1.3. Trang phục và phụ kiện bắn cung (Attire & Protective Gear)
Hãy mặc quần áo thoải mái, vừa vặn, không quá rộng cũng không quá bó sát để có thể di chuyển và thực hiện các động tác linh hoạt. Tránh mặc áo có dây kéo, túi hộp hoặc các chi tiết rườm rà ở phía trước ngực và tay áo, vì dây cung có thể vướng vào khi bắn.
Bên cạnh đó, bạn nên chuẩn bị đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn, tránh gây thương tích như: miếng bảo vệ tay (finger tab/glove), miếng bảo vệ cẳng tay (arm guard), đai giữ ngực (chest guard – chủ yếu dành cho nữ giới).

1.4. Chọn đích bắn (Target)
Người mới tập nên chọn đích bắn theo gợi ý dưới đây:
Chất liệu: Chọn đích bắn bằng foam EVA (bọt tổng hợp) vì trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển và có khả năng hấp thụ lực tốt, giúp mũi tên không bị gãy hoặc bật lại nguy hiểm. Tránh dùng đích bằng rơm ép hay cao su cứng khi mới bắt đầu vì dễ làm cong hoặc hư hỏng mũi tên.
Vị trí đích bắn:
- Người mới nên đặt đích ở khoảng cách 5 – 10m, khi dần thành thạo kỹ thuật thì tăng dần khoảng cách.
- Kích thước gợi ý: 80 x 80cm hoặc 90 x 90cm, vừa đủ lớn để tập phản xạ và độ chính xác.
- Phía sau đích bắn phải có vật chắn đủ lớn và bền (backstop) như tường đất, lưới dày để hứng những mũi tên bắn trượt.

2. Hướng dẫn kỹ thuật bắn cung cơ bản
Lưu ý an toàn khi bắn cung
|
2.1. Tư thế đứng
Một tư thế đứng đúng sẽ giúp bạn giữ thăng bằng tốt, điều phối lực hiệu quả và tạo nền tảng vững chắc cho mọi động tác tiếp theo. Dưới đây là tư thế khuyến nghị cho người mới:
Vị trí chân:
- Đứng giang hai chân rộng bằng vai, cả hai bàn chân song song với nhau hoặc hơi tạo thành hình chữ V.
- Cả hai chân đặt ở hai bên của vạch bắn, cách đều nhau.
- Nếu vẽ một đường thẳng chạy qua 2 đầu ngón chân, đường này sẽ hướng thẳng về đích bắn.
Tư thế cơ thể:
- Giữ lưng thẳng nhưng không gồng cứng, vai thả lỏng.
- Căng nhẹ cơ bụng và cơ lưng dưới để giữ phần thân trên ổn định và thăng bằng.
- Trọng tâm: Trọng lượng cơ thể nên được phân bổ đều trên cả hai chân và hơi dồn nhẹ về phía trước mu bàn chân.

2.2. Cầm cung và lắp tên
Cầm cung đúng cách giúp mũi tên bay thẳng, giảm rung khi bắn và tránh bị lệch hướng do xoay cổ tay hoặc siết chặt cán cung quá mức.
Bước 1 – Cầm cung:
- Tay không thuận cầm cán cung, giữ cung thẳng đứng, không nghiêng (Tay thuận dùng để kéo dây cung).
- Xoay nhẹ bàn tay để tạo thành góc khoảng 45 độ giữa mu bàn tay và cán cung.
- Giữ chắc mà không siết: Bàn tay và cổ tay hơi thả lỏng, không bóp chặt cán để tránh ảnh hưởng hướng tên.

Bước 2 – Lắp tên vào cung:
- Dùng ba ngón tay (cái, trỏ, giữa) của tay kéo (tay thuận) để lấy mũi tên, cầm tại vị trí cách đầu mũi tên khoảng 2/3 chiều dài.
- Đưa mũi tên lên cùng phía với tay kéo, áp sát tay cầm cung đã duỗi thẳng.
- Gắn ngạnh đuôi tên vào dây cung, đến khi nghe tiếng “tách”/“click” nhẹ là tên đã đúng vị trí.
- Đặt tên lên giá đỡ trên cán cung, đảm bảo không lệch, không lung lay.

Bước 3 – Móc dây cung
- Dùng ba ngón tay của tay kéo (trỏ, giữa, áp út) để móc vào dây cung.
- Vị trí móc tối ưu là tại khớp đốt đầu tiên của mỗi ngón tay, tức phần gần đầu ngón, giúp kiểm soát lực kéo tốt mà không gây đau.
- Giữ lực đều trên cả 3 ngón, không để dây dồn lực vào một ngón.

2.3. Kéo dây cung
Bước 1 – Điều chỉnh hướng bắn và lực kéo dây:
- Duỗi thẳng tay cầm cung về phía mục tiêu, giữ chắc nhưng không gồng cứng khuỷu tay.
- Dùng tay kéo để kéo dây cung thẳng ra phía sau, hướng về phía mặt. Khi kéo, cần kết hợp sức từ cơ vai, cơ lưng và cánh tay để động tác ổn định và tiết kiệm sức lực.
Bước 2: Đặt điểm neo
- Sau khi kéo dây cung về phía sau, hãy duy trì lực kéo cho đến khi tay kéo chạm vào một vị trí cố định trên khuôn mặt, đây được gọi là “điểm neo”.
- Điểm neo phổ biến nhất là đầu ngón tay trỏ chạm vào khóe miệng hoặc cằm; dây cung chạm vào môi, mũi hoặc một bên cằm.
- Mỗi cung thủ nên chọn một điểm neo phù hợp và duy trì giống nhau ở mọi lần bắn.
Lưu ý quan trọng cho người mới: Hãy chọn điểm neo mà bạn cảm thấy thoải mái và tự nhiên nhất khi kéo dây cung. Một điểm neo tốt sẽ giúp bạn giữ tư thế ổn định, dễ lặp lại ở mỗi lần bắn, từ đó tăng độ chính xác và kiểm soát tốt hơn trong từng cú thả tên.


2.4. Ngắm bắn
Trong giai đoạn này, tập trung là yếu tố then chốt. Thực hiện cách ngắm đúng kỹ thuật như sau:
Bước 1 – Ngắm bắn
- Khi bắt đầu, mở cả hai mắt để quan sát rõ không gian xung quanh và giữ cảm giác cân bằng. Sau đó, dồn sự tập trung vào mắt thuận (mắt nhìn rõ và chính xác hơn) để khóa mục tiêu.
- Nếu bạn dùng cung recurve cơ bản không có thước ngắm, hãy ngắm theo đường thẳng của thân mũi tên, đưa đầu tên canh thẳng vào mục tiêu.
- Trường hợp sử dụng cung có gắn thước ngắm, bạn chỉ cần điều chỉnh chấm ngắm (pin) trên thước sao cho nằm đúng vào vị trí hồng tâm là được.

Bước 2 – Điều chỉnh tư thế cơ thể: Khi bạn đứng bắn, cơ thể nên tạo thành hình chữ “T”:
- Khuỷu tay cầm cung – hai vai – khuỷu tay kéo cung tạo thành một đường thẳng
- Phần thân, cổ, đầu và lưng thẳng nhưng không gồng cứng. Vai thả lỏng.
- Căng nhẹ cơ bụng và cơ lưng dưới để giữ phần thân trên ổn định và thăng bằng.

Bước 3 – Giữ tư thế vững và kiểm soát nhịp thở
- Khi đã vào tư thế ngắm, hãy giữ cơ thể ổn định, thả lỏng toàn thân, không gồng cứng vai, lưng hay tay.
- Hít thở nhẹ nhàng, sâu và đều. Trước khi thả tên, hãy hít vào một hơi sâu, thở ra từ từ, rồi giữ hơi lại trong tích tắc.

Lưu ý quan trọng cho người mới:
- Người mới tập nên bắt đầu với cung có thước ngắm, sau khi quen dần thì có thể thử cung trần (barebow) để nâng cao kỹ năng. Cung trần sẽ giúp bạn rèn luyện cảm giác bắn theo bản năng, phát triển khả năng điều khiển cơ thể và phản xạ tự nhiên.
- Giữ bình tĩnh, tránh căng thẳng khi ngắm. Tâm lý lo lắng sẽ khiến tay run, và khiến đường bắn thiếu chính xác.
2.5. Thả tên
Bước 1 – Thả tên đúng cách:
- Khi đã canh ngắm chính xác, hãy thả lỏng hoàn toàn các ngón tay đang móc dây cung, để dây tự trượt khỏi tay một cách mượt mà và dứt khoát.
- Tuyệt đối không “búng” tay hay cố ý đẩy dây ra, vì sẽ khiến dây cung bị rung lệch, ảnh hưởng đến đường bay và độ chính xác của mũi tên.
Bước 2 – Giữ tư thế sau khi bắn: Sau khi thả tên, không nên hạ cung ngay lập tức. Hãy giữ nguyên tư thế ban đầu:
- Tay cầm cung vẫn duỗi thẳng về phía mục tiêu
- Mắt vẫn nhìn theo mũi tên
- Cơ thể giữ yên, không tạo chuyển động thừa
- Việc này giúp bạn ổn định tư thế trong khoảnh khắc quan trọng, đảm bảo mũi tên không bị lệch hướng do thay đổi tư thế quá sớm.
Bước 3 – Kết thúc lượt bắn
- Khi mũi tên đã cắm vào bia, từ từ hạ cung xuống, thả lỏng toàn thân và thư giãn nhẹ trước khi bước vào lượt bắn tiếp theo. Nhịp điệu chậm rãi và có kiểm soát sẽ giúp bạn giữ vững phong độ trong suốt buổi tập.


3. Gợi ý 8+ điểm học cách bắn cung cho người mới
Tìm đến các câu lạc bộ có huấn luyện viên chuyên nghiệp là cách tốt nhất để học bắn cung một cách bài bản và an toàn. Dưới đây là một số địa điểm uy tín tại các thành phố lớn:
Tại TP. Hồ Chí Minh
Câu lạc bộ Bắn cung Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM: Tại đây có đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ, cùng nhiều lớp học bắn cung cho mọi trình độ từ cơ bản đến nâng cao, thu hút số lượng lớn người trẻ tham gia.
- Địa chỉ: 35 Nguyễn Thị Minh Khai, Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh
- Liên hệ: 093 795 17 31
- Khoá học: 900.000 – 1.200.000 VND/khoá/7 buổi
- Giá vé theo giờ: 60.000 VND/30 phút/người
Galaxy Archery Club: Được thành lập bởi một nhóm các cung thủ giỏi, CLB bắn cung Galaxy không chỉ được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại từ mà còn có huấn luyện viên theo dõi để đảm bảo bạn luyện tập an toàn.
- Địa chỉ: 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Bến Thành, Quận 1, Hồ Chí Minh
- Liên hệ: 0908 191 595
- Giá vé: 80.000 VND/giờ/người hoặc 800.000 VND/tháng/người
Trần Quan Brothers Archery Club: Một điểm tập luyện với đầy đủ các loại cung truyền thống, cung trợ lực, cung trần barebow, cung recurve Olympic; đồng thời nuôi dưỡng, đào tạo học viên đam mê kỹ năng cung thuật, cung đạo Nhật Bản và kỵ xạ.
- Địa chỉ: 946 Trường Sa, Phường 12, Quận 3, Hồ Chí Minh – 06 Dương Quang Đông, phường 5, Quận 8, Hồ Chí Minh
- Liên hệ: 0933107539 – 086887 9540
- Giá vé: 80.000 VND/giờ/người
Archery Tag Vietnam: Điểm tập luyện có không gian rất rộng rãi, thích hợp để tụ tập nhóm bạn và tập thể đến hàng chục người. Nơi này nổi bật với các hoạt động bắn cung đối kháng (archery tag) cùng hàng loạt trò chơi thể thao ngoài trời vui nhộn và thú vị.
- Địa chỉ: 1017 Bình Quới, Phường 28, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh
- Liên hệ: 0943333094
- Giá vé: Từ 110.000 VND/giờ/người
Tại Hà Nội
Archery Fun Club: CLB bắn cung đầy đủ tiện nghi với phòng chờ, quầy bar, phòng tắm, vườn cây xanh mát và sân chơi trẻ em rộng rãi.
- Địa chỉ: Đường Xuân Tảo, Khu đô thị Tây Hồ Tây, Tây Hồ, Hà Nội
- Liên hệ: 0353 032 094
- Giá vé: 100.000 – 320.000 VND/giờ tuỳ theo dịch vụ và thiết bị lựa chọn đi kèm
Câu lạc bộ bắn cung X10 Archery: Sân cung mới mở với không gian rộng rãi, thoáng mát, tiện nghi cơ bản. Sân chơi được chia phân khu tuỳ theo trình độ và có nhân viên chỉ dẫn nhiệt tình.
- Địa chỉ: 12 Đống Kỳ, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
- Liên hệ: 0944 524 230
- Giá vé: Theo giờ 50.000 – 250.000 VND/giờ/người . Theo tháng 900.000 – 1.500.000 VND/tháng/người
Tại Đà Nẵng
Câu lạc bộ bắn cung Cen Archery: Không gian rộng rãi, thoáng mát, bài trí theo phong cách Nhật Bản và đầy đủ dịch vụ tiện nghi. Người chơi được trải nghiệm bắn cung thể thao, cung đạo Nhật Bản (Kyudo) và có huấn luyện viên kèm theo (nếu có nhu cầu)
- Địa chỉ: 33-35 đường 30/4, Hoà Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng
- Liên hệ: 0942 660 345
- Giá vé: Theo giờ 65.000 – 120.000 VND/giờ/người. Theo tháng 1.000.000 VND/tháng/người. Học có huấn luyện viên 2.400.000 – 2.600.000 VND/tháng 12 buổi.

Bắn cung là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỷ luật và niềm đam mê. Việc nắm vững cách bắn cung từ những kỹ thuật cơ bản nhất không chỉ giúp bạn bắn trúng đích mà còn đảm bảo an toàn cho chính bạn và những người xung quanh.
Đừng ngần ngại tìm đến các câu lạc bộ để được hướng dẫn chuyên nghiệp và tận hưởng từng khoảnh khắc trên sân tập. Decathlon chúc bạn có những giờ phút luyện tập thật bổ ích và sớm chinh phục được những hồng tâm đầu tiên trên con đường trở thành một cung thủ thực thụ.
Nếu bạn muốn bắt đầu học cách bắn cung, tham khảo ngay bộ dụng cụ cơ bản, an toàn và dễ sử dụng, có sẵn tại Decathlon:
Khám phá thêm: Truy cập danh mục Bắn cung trên website của Decathlon để xem thêm nhiều sản phẩm chất lượng khác cho các cấp độ người chơi khác. |